0868.30.22.39

CÙ LAO XANH NGÀY ẤY

Là một xã tiền tiêu cuả thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Nhơn Châu (đảo Cù Lao Xanh) mang trong mình nhiều dấu tích lịch sử hàng nghìn năm oai hùng của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm cùng năm tháng, Cù Lao Xanh đã thay da đổi thịt từng ngày nhưng cảnh sắc nơi đây vẫn còn giữ nhiều nét hoang sơ và “thuỷ chung” với ngày xưa ấy.

Xã Nhơn Châu (hay còn gọi là đảo du lịch Cù Lao Xanh) trước ngày giải phóng miền Nam năm 1975 được gọi là xã Phước Châu thuộc huyện Tuy Phước, sau ngày đất nước thống nhất đổi thành xã Nhơn Châu thuộc thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn). Đảo cách Quy Nhơn 24 km, cách xã Xuân Hoà (Sông Cầu – Phú Yên) 6 km. Cù Lao Xanh nguyên là đất của tỉnh Phú Yên được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

Có thể nói Nhơn Châu là một trong những làng xã văn hóa biển điển hình của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Nhơn Châu ngày nay được thành lập đơn vị hành chính là một xã đảo trực thuộc thành phố Quy Nhơn và được chia làm 3 thôn: thôn Tây, thôn Trung và thôn Nam. Ở đây có đầy đủ các di tích sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng của cư dân làng xã miền biển như: Thờ ngũ hành, Lăng ông thờ Nam hải thần ngư; có Đình làng để sinh hoạt hội họp và thờ Thần hoàng làng phù hộ cho dân làng an cư lạc nghiệp; có Miếu Thanh minh thờ những linh hồn phiêu tán không có người thờ cúng. Ngoài ra còn có Chùa (Chùa Thanh Phước), Tịnh xá (Tịnh Xá Ngọc Châu)…

Ðêm đêm, từ bờ biển Quy Nhơn, phóng tầm mắt ra khơi xa, giữa hàng trăm đốm sáng lung linh tựa hoa đăng, du khách sẽ bị cuốn hút vào một ngọn đèn lúc ẩn, lúc hiện, vừa huyền diệu, vừa bí ẩn … Ðó là ngọn hải đăng Cù Lao Xanh trên đỉnh một ngọn núi ở độ cao 120m.

Năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải đá ngầm thuộc khu vực biển Quy Nhơn, người Pháp đã quyết định xây dựng ở đảo du lịch Cù Lao Xanh một ngọn hải đăng, đặt tên là Plogam Bir.Đây là ngọn hải đăng xuất hiện sớm nhất ở nước ta. Hơn 100 năm qua, ngọn hải đăng này vẫn là người bạn thủy chung của những đoàn thuyền đánh cá từ mọi miền đất nước qua đây. Ánh sáng từ ngọn hải đăng trên Cù Lao Xanh đã là niềm tin và hy vọng của bao ngư dân trong những đêm bão biển. Vì vậy, ngọn hải đăng còn được gọi là đôi “mắt thần” của biển.


Hải đăng Cù Lao Xanh là sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc gô-tich của phương Tây và kiến trúc phương Ðông. Kết cấu của hải đăng gồm 3 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. Ngọn hải đăng Cù Lao Xanh sừng sững hiên ngang giữa biển khơi là biểu tượng đẹp đẽ nhất cho tinh thần của người dân Cù Lao Xanh quanh năm sống chung với sóng gió biển khơi.

Đến đảo du khách không ghé thăm ngọn hải đăng chụp một tấm hình kỷ niệm thì không phải là đến đảo! Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh đẹp như một tuyệt tác mà trong lúc dạo chơi vô tình Thượng Đế đã đánh rơi xuống trần thế chăng ? Bức tranh ấy đẹp và đầy nhựa sống với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống. Còn bãi sau toàn đá là… đá. Đá xúm xít, đá xếp chồng và nương tựa vào nhau như thể để tạo thêm sức mạnh bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng trước kẻ thù xâm lược. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh  năm chống chọi với gió hú và sóng gầm. Xa xa là hòn Ông Già nằm phơi mình thư giãn giữa biển khơi, vừa ung dung lại vừa uy nghi qúa đỗi.

Len lỏi từng ngóc ngách của hòn đảo này là con đường đất nhỏ nhỏ cong cong, trơ sỏi đá nhưng trải dài hoa dại hai bên đường. Con đường thân thuộc với mỗi bước chân cuả ngư dân xã đảo cả trong thời chiến và thời bình, lưu giữ những gì mộc mạc và lắm khó khăn của cuộc sống nơi đây.

Giờ đây, khi du lịch Cù Lao Xanh chúng ta sẽ thấy sự thay đổi lớn lao trên hòn đảo này. Cù Lao Xanh Quy Nhơn hôm nay đã khang trang hơn với những ngôi nhà ngói mới, đường bê tông kiên cố chạy dọc bờ biền, những chiếc ghe, tàu đậu chi chít ngoài mặt biển chờ những chuyến ra khơi. Cù Lao Xanh của ngày xưa vẫn không ngừng xanh trong hiện tại, đã đẹp thì nay lại càng đẹp và oai hùng hơn. Với những tiềm năng về danh lam thắng cảnh cũng như các di tích lịch sử văn hóa đảo Cù Lao Xanh hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn khách thăm quan khi tới Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng.

Hãy đến đây ít nhất một lần để tận hưởng cảnh sắc tuyệt vời và đắm chìm trong không gian xanh bất tận của ngày xưa vọng về các bạn nhé!

Nguồn: Culaoxanhtravel.com