Cù Lao Xanh có hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, sự trù phú và đa dạng của đá, địa hình, các rạn san hô, thảm cỏ biển, của các loại sinh vật dưới thủy cung là tiềm năng cực kỳ to lớn, đã đóng góp cho ngành du lịch của địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức về sự quan trọng của đa dạng sinh học đối với ngành du lịch biển đảo, việc bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái ở Cù Lao Xanh một cách bền vững đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Cảnh quan thiên nhiên đảo Cù Lao Xanh
Đa dạng sinh học ở đảo Cù Lao Xanh có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người xã đảo tiền tiêu này. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, Cù Lao Xanh đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về môi trường, suy giảm hệ sinh thái gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sức hút của ngành du lịch.
Sự đa dạng của địa hình Cù lao Xanh
Các nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi ven biển
Khai thác san hô và hải sản quá mức: Một trong những nguyên nhân lớn tác động đến nguồn lợi động vật đáy quý hiếm và có giá trị kinh tế tại khu vực đảo Cù Lao Xanh là việc khai thác hải sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu các sản vật từ biển đã tác động rất lớn tới hầu hết các loài hải sản đặc hữu và có giá trị kinh tế cao. Các hình thức khai thác hải sản như lặn dùng vòi hơi, nghề câu, lưới rê,… là những tác động chính làm cạn kiệt nguồn lợi động vật đáy thân mềm. Bên cạnh đó, việc khai thác trái phép san hô để làm cảnh cũng làm suy giảm các loài san hô trong khu vực.
Rạn san hô và hệ sinh thái biển Cù Lao Xanh
Phát triển du lịch biển và các dịch vụ kèm theo: Phát triển du lịch sinh thái biển dựa vào hệ sinh thái rạn san hô đang được coi như là hướng đi quan trọng để phát triển kinh tế đảo Cù Lao Xanh. Tuy nhiên, phát triển du lịch còn có tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái với các nguy cơ từ việc xả thải rác gây ô nhiễm môi trường biển và hệ lụy từ việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch.
Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi ven biển
Nâng cao nhận thức cho người dân và khách du lịch: Tổ chức và khuyến khích cư dân ven biển tham gia vào việc quản lý, bảo vệ rạn san hô, đồng thời thực hiện giám sát và sử dụng bền vững nguồn lợi biển và ven bờ, nhằm cải thiện năng lực cộng đồng địa phương đối với bảo tồn và phát triển nguồn lợi. Chú trọng đến vấn đề không sử dụng bao bì nilon và bẻ san hô trên đảo.
Cù Lao Xanh Travel nhặt rác bảo vệ biển
Thiết lập Kku bảo tồn biển: Đẩy mạnh việc thiết lập khu bảo tồn biển Cù Lao Xanh, xây dựng hạ tầng, thiết lập chế tài quản lý, triển khai bảo tồn đa dạng sinh học là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi rạn san hô và phát triển nguồn lợi các loài sinh vật biển đang đị đe dọa.
Tái tạo nguồn lợi ven biển: Thiết lập các chương trình thả rạn san hô nhân tạo, trồng phục hồi san hô cứng tại các vùng suy thoái nghiêm trọng. Định hướng kế hoạch sinh sản nhân tạo, thả giống nuôi phục hồi và phát triển nguồn lợi trong tự nhiên phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường từ nhiên tại khu vực ven biển đảo Cù Lao Xanh.
Với mong muốn giữ gìn môi trường biển đảo trong lành, sạch đẹp, hệ sinh thái đa dạng và trù phú, phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là du lịch thì định hướng trên là tất yếu. Hy vọng, Cù Lao Xanh hôm nay sẽ càng tươi xanh hơn trong thời gian tới.