“Rủ nhau đi đánh Bài Chòi, em thấy anh có nghĩa em đòi theo anh….”
Những câu hát dung dị và mộc mạc như chính con người Bình Định quê hương tôi. Dù ghé thăm ở đâu trên khắp Bình Định bạn cũng dễ dàng được nghe người dân địa phương hô Bài Chòi. Mang những nét đặc trưng của bài chòi miền biển, Bài Chòi Cù Lao Xanh đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành hình thức sinh hoạt độc đáo của cộng đồng dư cư xã đảo. Cùng đến với Du lịch Cù Lao Xanh để thưởng thức nét đặc sắc trong môn nghệ thuật này các bạn nhé.
Bài Chòi – di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Đây là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.
Bài Chòi có hai hình thức chính: Chơi Bài Chòi và Trình diễn Bài Chòi. Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh/chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.
Sau rất nhiều nỗ lực khôi phục và truyền bá loại hình nghệ thuật Bài Chòi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ đất liền lấn ra vùng biển đảo của các tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), hôm nay, 07/12/2017, tại đảo Jeju (Hàn Quốc), 17h00’ theo giờ địa phương, UNESCO chính thức công nhận Bài Chòi của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau. Đây là điều rất đáng tự hào của người dân Việt nói chung và ngư dân đảo ngọc Cù Lao Xanh nói riêng.
Nghệ thuật Bài Chòi – thú vui tao nhã của người dân Cù Lao Xanh Quy Nhơn.
Hội Bài Chòi dân gian trên mảnh đất Cù Lao Xanh – Nhơn Châu đã có từ rất lâu, trước giải phóng, được chơi bởi nhiều người lớn tuổi nhưng lại bị mai một và thất truyền. Đến năm 2010, gia đình “nghiện Bài Chòi” – ông Trần Hữu Phước và bà Lê Thị Hoa (thôn Đông) sau khi được tập huấn ở Quy Nhơn về đã “khai sinh” lại Hội Bài Chòi ở quê hương. Từ đây, nghệ thuật thất truyền ấy đã dần hồi sinh và sục sôi trở lại như thuở ban đầu.
Bài Chòi Cù Lao Xanh cũng có nhiều nét riêng biệt. Chiều chiều, từng nhóm 5-7 người sinh hoạt hô Bài Chòi và cả hát hò đối đáp. Bộ bài gồm 27 quân bài với tên gọi như: Nhứt Trò, Bánh Hai, Bạch Huê, Ba Gà, Tư Xách, Lục Chạng, Tám Dừng,… Tên bài được làm bằng giấy dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh Hiệu (người hô) sẽ rút quân một quân bài. Sau khi rút quân bài anh sẽ xướng lên một câu ca dao.
Người ta đến chơi Bài Chòi cốt để nghe hô Bài Chòi, thưởng thức giọng hô, hát, tài ứng đối và lối diễn trò của anh Hiệu. Vào mỗi cuối tuần hoặc khi trăng về Hội lại diễn ở cầu Cảng – trung tâm của hòn đảo. Đặc biệt, các quân Bài Chòi đều được các thành viên trong Hội Bài Chòi tự tay làm.
Ngày nay, nghệ thuật Bài Chòi ở Cù Lao Xanh còn là một nét văn hoá riêng biệt, độc đáo được đông đảo du khách xa gần lấy làm yêu thích khi du lịch Cù Lao Xanh. Họ được thưởng thức món nghề đã ăn sâu và xương vào tuỷ của không ít người dân xã đảo. Vào những đêm trăng sáng, cùng nhau trải nghiệm với Hội Bài Chòi Nhơn Châu trên bãi cát mịn màng, đón cái gió mát lạnh và ngọt lành từ đại dương thổi vào. Ôi! Còn gì bằng!
…Một ngày mới lại bắt đầu, người dân Cù Lao Xanh tiếp tục công việc thường ngày của họ và bài chòi vẫn luôn gắn liền với cuộc sống và công việc của người dân hiền hoà nơi đây.
“Ai mộ điệu xin dừng chân chốc lát, để mà nghe tôi hô hát cái điệu bài chòi…Ai về xứ nẫu quê tôi, xin hãy dừng chân ghé lại nghe tôi hô hát bài chòi một phen, vừa có đờn rồi lại có kèn, có trống, có cả phách…”.