Du lịch Cù Lao Xanh ấn tượng với thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp. Đã ghé Quy Nhơn rồi sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước “bà đỡ” có duyên của các tàu đánh bắt hải sản miền Trung! Cảng Hàm Tử, vựa cá lớn và uy tín nhất khu vực biển miền Trung. Ở đây không chỉ nổi danh với nghề cá mà còn là nơi tiễn chân du khách trên chuyến hành trình thú vị đến với đảo ngọc Cù Lao Xanh Quy Nhơn.
Cảng cá Quy Nhơn (hay cảng Hàm Tử) ở khu vực 6 và 7, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Đây là nơi neo đậu tàu thuyền khi cập cảng, vừa là nơi mua bán hải sản và cung cấp các nguyên liệu, thực phẩm cho các chuyến tàu ra khơi đánh bắt cá. Cảng không chỉ đẹp về tên gọi gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc mà còn là niềm kiêu hãnh của người dân Bình Định về hoạt động giao thương tấp nập.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và quá trình phát triển lâu dài, năm 2002 UBND tỉnh đã đầu tư nâng cấp bến đò Hàm Tử thành cảng cá Quy Nhơn. Năm 2003, cảng cá Quy Nhơn xây dựng hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Qua thời gian hoạt động, cảng cá Quy Nhơn dần vươn lên trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực, nên ngày càng trở nên quá tải.
Cảng cá Quy Nhơn được xem là chợ đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản sầm uất nhất tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung nước ta. Nhiều chủ tàu trong và ngoài tỉnh đã chọn nơi đây làm “bà đỡ” cho hoạt động nghề cá của mình vì ở đây hoạt động buôn bán diễn ra liên tục, nhộn nhịp và tấp nập gần như cả ngày lẫn đêm mà giá bán lại tốt.
Với các hạng mục cầu cảng, bến bãi, luồng lạch thiết kế hiện đại, tiện dụng, cảng cá Quy Nhơn được hình thành như một “căn cứ” của các tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Đây cũng là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường miền Trung, khu vực Tây Nguyên, Lào, Campuchia.
Một nét rất riêng trên biển Quy Nhơn là chợ cá Hàm Tử nằm ngay bên bến Hàm Tử. Đây là đầu mối nhận và cung cấp cá không chỉ cho Quy Nhơn, một số huyện trong tỉnh Bình Định, mà còn cả các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi…, thậm chí vào tận TP.HCM. Chợ cá Hàm Tử có nhiều chủng loại như cá thu, lồ ồ, cá hồng, cá mú… với số lượng hàng chục tấn. Ấn tượng nhất là những con cá cờ tươi rói, nặng đến cả trăm kilogam. Do nguồn cá thu hoạch dồi dào và giá rẻ nên người dân sống gần Cảng đã chọn nghề hấp cá biển làm nghề chính để kiếm sống. Họ hiền lành và thân thiện, mộc mạc và chất phác trong tiếng cười giòn tan giữa cuộc sống bộn bề này. Họ gửi gắm tâm tình vào từng mẻ cá hấp để làm nên thương hiệu cá hấp Quy Nhơn thơm ngon nứt tiếng xa gần.
Đưa mắt dạo quanh, tàu ra tàu vào, tàu đậu chi chít và san sát nhau trên mặt biển. Cảng Hàm Tử là nơi cuối cùng tiễn chân du khách để du ngoạn trên chuyến hành trình vô cùng thú vị tại đảo Cù Lao Xanh. Du lịch Cù Lao Xanh các bạn có thể tuỳ chọn phương tiện tại bến Hàm Tử, hoặc là cano hoặc là tàu chợ. Mỗi phương tiện lại có ưu điểm riêng cho du khách. Tại đây cũng là nơi tiễn đưa những hàng hoá và hơi thở của đất liền ra đảo Cù Lao Xanh – Nhơn Châu.
Mặt trời ló dạng. 6 giờ sáng, chợ cá vừa yên ắng cũng là lúc thành phố bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Phía xa, từng tốp du khách lại có dịp được đi dạo trên bãi cát vàng đang óng ả dưới ánh bình minh. Sóng rì rào như tâm sự bên con đường mang tên Xuân Diệu, thi nhân đã lấy cảm hứng từ đây để làm nên những vẫn thơ trữ tình trong bài Biển.
Sóng vẫn không ngừng vỗ, biển vẫn mãi thắm xanh và Cảng vẫn luôn hoạt động không mỏi mệt để làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn của những tấm lưng trần ngày đêm bám biển, mưu sinh!